Tin nhanh

Ca tự cắt ruột thừa tại Nam Cực đi vào lịch sử

 Leonid Ivanovich Rogozov (tiếng NgaЛеони́д Ива́нович Ро́гозов) (14 tháng 3 năm 1934 – 21 tháng 9 năm 2000) là một bác sĩ người Nga. Năm 1961, khi đang trên đường thám hiểm Nam Cực, Leonid Rogozov nhận ra mình bị viêm ruột thừa và sẽ chết nếu không được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa ngay lập tức. Vì là bác sĩ duy nhất trong cuộc thám hiểm nên ông buộc phải tự tay phẫu thuật cho chính mình. Đây là một trường hợp nổi tiếng về việc tự phẫu thuật thành công cho chính mình.

Sau khi tốt nghiệp năm 1959 với tư cách là một bác sĩ đa khoa tại Leningrad, Leonid Rogozov tiếp tục được đào tạo lâm sàng để chuyên sâu về phẫu thuật. Tháng 9 năm 1960, Leonid Rogozov được 26 tuổi, ông đã tham gia vào một chuyến "Thăm Nam Cực của Liên Xô lần thứ sáu" với công việc là bác sĩ đoàn thám hiểm

Từ tháng 9 năm 1960 đến tháng 10 năm 1962, Leonid Rogozov làm việc tại Nam Cực với vai trò là bác sĩ duy nhất trong nhóm mười ba nhà nghiên cứu tại trạm Novolazarevskaya, một trạm nghiên cứu được thành lập vào tháng 1 năm 1961. Vào sáng ngày 29 tháng 4 năm 1961, Leonid Rogozov cảm thấy mệt, buồn nôn kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, và sau đó là đau ở phần dưới bên phải của ổ bụng. Các triệu chứng này kéo dài cho đến ngày 30 tháng 4, Leonid Rogozov có dấu hiệu viêm phúc mạc cục bộ và dấu hiệu ngày càng trở nên rõ ràng hơn, tình trạng của ông đã trở nên tồi tệ hơn vào buổi tối.

Đêm đó tôi không thể ngủ được. Đau như quỷ ấy! Một cơn bão tuyết lạnh giá quét thấu tâm hồn tôn, hú lên như 100 con chó hoang”, Rogozov viết trong nhật ký của mình.

Ông cảm thấy tử thần đang dần tiến tới. “Tôi phải tính tới cách duy nhất cho phép tôi sống sót – tôi phải tự mình phẫu thuật ... Gần như bất khả thi ... nhưng tôi không thể khoanh tay chờ chết được”.

 Vào thời điểm đó thì trạm nghiên cứu của Liên Xô gần nhất là Mỉny cách trạm Novolazarevskaya nơi Leonid Rogozov đang ở hơn 1.600 km (1.000 dặm). Các trạm nghiên cứu về Nam Cực của các nước khác thì không có máy bay. Điều kiện thời tiết lúc đó diễn biến xấu và trời tối đã ngăn không cho máy bay có thể hạ hay cất cánh trong mọi trường hợp. Leonid Rogozov lúc này không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự mình thực hiện ca mổ để cứu sống mình.

“Đó là một ca bệnh ông đã làm rất nhiều lần rồi, và tại thế giới văn minh thì đó là ca mổ thường ngày. Nhưng không may là ông đang chẳng ở thế giới văn minh – ông đang nằm giữa một vùng đất hoang lạnh lẽo”, Vladislav Rogozov, con trai ông nói.

Ca mổ được Leonid Rogozov tiến hành bắt đầu vào lúc 2:00 giờ địa phương ngày 1 tháng 5 với sự giúp đỡ của một tài xế và một nhà khí tượng học. Những người trợ giúp đã cung cấp dụng cụ và cầm gương để quan sát các khu vực mà Leonid Rogozov không thể nhìn thấy trực tiếp. 

Những người trợ lý đáng thương! Trong năm phút cuối tôi, tôi đưa mắt nhìn họ. Họ đứng đó trong bộ đồ phẫu thuật trắng, và mặt họ thì còn trắng hơn cả bộ đồ”, Rogozov viết. “Tôi cũng sợ chứ. Nhưng khi tôi cầm cây kim thuốc mê lên và tiêm một liều, bằng một cách nào đó tôi chuyển sang chế độ phẫu thuật, và chẳng còn để ý tới thứ gì khác”. 

Trong ca mổ, Leonid Rogozov nằm ngửa, đầu cao, hơi nghiêng về bên trái. Leonid Rogozov tiến hành gây tê khu vực thành bụng bằng 0,5% novocaine. Rogozov đã rạch một đường khoảng 10–12 cm trên thành bụng để mở ổ bụng. Tấm gương được một trong hai người trợ lý cầm cũng chẳng giúp ích được mấy, vì mọi thứ hiển thị đều bị ngược. Vậy là ông phải tự cảm nhận ruột mình bằng đôi tay trần, nhằm có được cảm giác phẫu thuật tốt nhất. Máu chảy nhiều, ông bắt đầu choáng váng và lịm đi, mỗi năm phút Rogozov lại phải nghỉ khoảng 20 giây để giữ tỉnh táo.

Theo ghi nhận của Leonid Rogozov, ông đã thấy một vết đen ở gốc của ruột thừa. Leonid Rogozov ước tính ruột thừa sẽ bị vỡ trong ngày hôm sau nếu không được phẫu thuật kịp thời. Ruột thừa hoại tử đã được Leonid Rogozov cắt bỏ và sau đó uống thuốc kháng sinh và thuốc ngủ. Ca phẫu thuật kéo dài tổng cộng gần 2 tiếng, từ lúc ông bắt đầu đường dao đầu tiên cho tới khi khâu đường chỉ cuối cùng.

Rogozov bên người bạn và chim cách cụt khi đã bình phục

Sau khi nghỉ ngơi, cơ thể Leonid Rogozov dần hồi phục. Các dấu hiệu viêm phúc mạc của Rogozov dần cải thiện. Nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường sau năm ngày, các chỉ khâu đã được gỡ bỏ 7 ngày sau khi phẫu thuật. Leonid Rogozov có thể tiếp tục công việc thường xuyên của mình trong khoảng hai tuần sau đó. Ca tự phẫu thuật này của Leonid Rogozov đã khiến ông trở nên nổi tiếng trước công chúng Xô Viết vào thời đó. Năm 1961 ông được trao Huân chương Cờ đỏ Lao động. Vụ việc này đã dẫn đến một sự thay đổi chính sách, chính quyền bắt buộc kiểm tra sức khoẻ rộng rãi đối với các nhân viên khi họ được triển khai trong các cuộc thám hiểm tương tự như vậy.

Tháng 10 năm 1962, Leonid Rogozov trở lại Leningrad và bắt đầu làm nghiên cứu sinh tại trường cũ. Tháng 9 năm 1966 ông làm báo cáo luận án tiến sĩ về phẫu thuật cắt thực quản điêu trị ung thư thực quản. Một thời gian dài ông làm bác sĩ tại nhiều bệnh viện ở Leningrad. Từ năm 1986 đến năm 2000, ông làm trưởng khoa phẫu thuật tại Viện nghiên cứu bệnh phổi Saint Petersburg.

Leonid Rogozov qua đời vào năm 2000, hưởng dương 66 tuổi, do bị ung thư phổi. Mộ phần ông hiện ở nghĩa trang Kovalovskom thuộc Saint Petersburg, Nga.