Tin nhanh

Những điều cần biết về bệnh lý nang gan

Nang gan là một thương tổn lành tính thường gặp của gan và phần lớn không gây nguy hiểm. Tuy vậy khi bệnh nhân cũng cần theo dõi thường xuyên để tránh xảy ra biến chứng cũng như chẩn đoán nhầm lẫn với những bệnh lý nguy hiểm khác của gan


Nang gan là một bệnh lý hay gặp (1-5% các trường hợp khám siêu âm gan mật) với tần số tăng lên ở người có tuổi, thường được phát hiện một cách tình cờ trên siêu âm mà không có triệu chứng lâm sàng, có thể là nang đơn độc hoặc nhiều nang. Kích thước của nang thường không tăng hoặc tăng lên rất chậm theo tuổi.

Các loại nang gan thường gặp

1. Nang đơn giản

  • Nang được lót bởi biểu mô cùng loại với đường mật, dịch trong nang không chứa mật.
  • Nguyên nhân được cho là do bẩm sinh.
  • Nang to sẽ làm cho bụng phình to lên, có thể nhận biết thông qua sờ khám bụng.
  • Gây đau ở vùng bụng phía trên bên phải.

2. Gan đa nang

  • Do bẩm sinh ở người lớn hoặc di truyền ở trẻ em.
  • Đa nang thường xuất hiện kèm với bệnh nang thận và rất ít khi đưa đến bệnh xơ hoá gan hay suy gan.
  • Bệnh làm gan to và xuất hiện đau bụng.
  • Thường xảy ra ở tuổi dậy thì.



3. Nang sán

  • Gây ra bởi ký sinh trùng có tên echinococcus granulosus là một loại sán dây ký sinh trong cơ thể động vật như trâu, cừu,... theo đường tiêu hoá xâm nhập vào gan người.
  • Trong nhiều năm đầu sẽ không có triệu chứng gì hoặc chỉ gây đau ở sườn phải.
  • Sau đó, nang này có thể lớn lên và vỡ ra gây vàng da hoặc gây viêm đường mật.
  • Nang sán có thể hình thành ở phổi và các cơ quan khác.



4. U nang

  • Bệnh thường gặp sau tiền ung thư và rất hiếm gặp.
  • U nhỏ thường sẽ không gây triệu chứng gì
  • U lớn có thể gây ra đau bụng hoặc tắc nghẽn.

Về mặt giải phẫu bệnh, nang gan có lẽ được hình thành do sự bít tắc bẩm sinh ống mật quản rồi sau đó là sự ứ đọng dịch mật. Nang gan thường là đơn độc (trừ bệnh gan đa nang), đôi khi có vách và đôi khi có 2-3 nang. Biểu mô lót thành nang thường là biểu mô hình trụ và biểu mô đường mật, 50% các trường hợp thành nang có các phần mật quản. Dịch trong nang trong, không màu hoặc màu vàng.

Sự lựa chọn phương pháp chẩn đoán hình ảnh.

Nang gan nói chung chỉ cần chẩn đoán siêu âm là đủ. Tuy nhiên, khi hình ảnh siêu âm không điển hình hoặc bệnh cảnh lâm sàng đặc biệt thì cần chụp cắt lớp vi tính.



Chẩn đoán chụp cắt lớp vi tính



Nang điển hình

Nang gan biểu hiện bằng vùng rỗng âm tròn hoặc bầu dục, không có thành với đường bờ mảnh và rõ nét. Nhu mô gan xung quanh nang hoàn toàn bình thường. Nang gan thường không có vách ngăn trong nang, nhưng khi hai nang nằm gần nhau có thể đọc nhầm là là một nang có vách ngăn. Tỷ trong dịch từ 0-15UH.

Sau khi tiêm thuốc cản quang tỷ trong nang không thay đổi. Kích thước nang rất thay đổi từ nhiều cm đến vài mm. Những nang nhỏ, tỷ trọng có thể cao hơn do hiệu ứng thể tích khối.

Số lượng thường có một hoặc hai nang. Trong trường hợp nhiều nang thì hình cắt lớp vi tính của mỗi nang không thay đổi, nhưng bệnh cảnh lâm sàng và tiên lượng có khác hơn. Đa số các trường hợp gan đa nang thường kèm theo thận đa nang gọi là bệnh gan-thận đa nang. Bệnh gan-thận đa nang thường có tính chất gia đình. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp gan đa nang không kèm theo thận đa nang.

Nang biến chứng:

Hay gặp là chảy máu trong nang hoặc nang nhiễm trùng. Trong trường hợp này tỷ trọng tăng và thành có thể dày lên. Chẩn đoán phân biệt hai loại biến chứng này và với một số tổn thương khác đòi hỏi phải kết hợp với dấu hiệu lâm sàng.

Phương pháp điều trị

  • Khi phát hiện bệnh cần xét nghiệm để chẩn đoán có phải do ký sinh trùng hay không và nếu có thì loại khỏi cơ thể bằng thuốc điều trị ký sinh trùng.
  • Khi nang gan có kích thước nhỏ (dưới 4cm) thường không cần phải điều trị.
  • Khi nang gan có kích thước lớn (trên 4cm) cần đến bác sĩ để được điều trị thích hợp.
  • Phẫu thuật nội soi là phương pháp thông dụng, đơn giản và hiệu quả được áp dụng nhiều trong chữa trị nang gan.


  • Trong trường hợp bệnh nhân mắc phải triệu chứng chảy máu, đau dữ dội, hay bị tái phát nhiều lần,... có thể phải phẫu thuật để ghép gan.
  • Ngoài ra, hiện nay có một phương pháp cũng có thể áp dụng là phương pháp chọc hút). Nang gan có thể được điều trị bằng tiêm cồn 95%. Nhưng trước khi tiêm cồn cần chụp nang có bơm cản quang để biết chắc chắn nang không thông với đường mật hoặc thoát thuốc ra nhu mô gan. Tuy nhiên, có khoảng 1/4 số nang có thể tái lập sau khi chọc hút có tiêm cồn.

Biện pháp phòng tránh

Nếu bệnh nhân đang mắc bệnh nang gan ở mức độ nhẹ cần có chế độ ăn hợp lý như sau:

  • Không uống rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích,... gây ảnh hưởng đến các tế bào của gan.
  • Tránh uống các loại sữa động vât. Sữa sẽ thúc đẩy sự tăng sinh các chất nhầy trong nang gan khiến nang gan tăng kích thước.
  • Selen là một chất cần thiết giúp gan sản xuất glutathione và là chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Selen sẽ giúp bảo vệ tế bào gan khỏi bị tổn thương. Vì thế, bổ sung thêm selen sẽ phần nào giúp cải thiện gan của bệnh nhân.
  • Tránh những tác động bên ngoài vào vùng nang gan gây vỡ nang đặc biệt là khi nang có kích thước lớn.
  • Ăn nhiều rau, củ, quả như: cải xoăn, bông cải xanh, củ cải và hành tây. Uống nước ép cà rốt, táo,...

Nếu chưa mắc bệnh cũng cần đi siêu âm tầm soát và xét nghiệm mỗi năm 1 lần để phát hiện kịp thời cũng như để được bác sĩ tư vấn về việc bảo vệ gan.