Tin nhanh

Sỏi túi mật có nên mổ cắt túi mật hay không?

Sỏi túi mật là bệnh thường gặp ở nước ta. Ban đầu, những triệu chứng của sỏi có thể rất mơ hồ và thường chỉ phát hiện tình cờ qua thăm khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi sỏi đã gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm túi mật cấp, viêm đường mật, viêm tụy cấp... 

Nguyên nhân 

Túi mật có nhiệm vụ lưu giữ mật - chất lỏng được sản xuất bởi gan gồm có nhiều thành phần như: cholesterol, bilirubin (sắc tố mật) và muối mật... Trong bữa ăn, túi mật co bóp để đưa dịch mật vào ruột non, hỗ trợ tiêu hóa chất béo.


Sỏi túi mật được hình thành chủ yếu do mất cân bằng của các thành phần có trong dịch mật. Ví dụ như khi lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật hay khi lượng muối mật giảm đi sẽ dẫn tới hình thành sỏi cholesterol. Sỏi sắc tố mật hình thành do kết tụ của bilirubin trong một số bệnh như thiếu máu hồng cầu liềm, xơ gan...


Sỏi túi mật thường gặp ở nữ, mập, trên 40 tuổi, có nhiều con. Nam giới bị sỏi túi mật ít hơn. Sau 40 tuổi tỉ lệ bị bệnh sỏi túi mật tăng dần.  



Triệu chứng

Sỏi túi mật thường không có triệu chứng rõ ràng. Một số dấu hiệu sớm bạn có thể gặp phải bao gồm đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, ợ nóng... do thiếu dịch mật để tiêu hóa chất béo.


Khi sỏi di chuyển, cọ xát, hoặc phát triển tăng lên về cả kích thước và số lượng làm tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật, bạn có thể thấy xuất hiện những cơn đau quặn ở vùng bụng trên và lưng, kéo dài tới vài giờ đồng hồ


Sỏi túi mật cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm túi mật cấp, viêm đường mật, viêm tụy cấp... 


 


Điều trị

Người bệnh có sỏi túi mật không triệu chứng: không bị đau bụng trên bên phải thì vẫn sinh hoạt làm việc bình thường, chỉ cần ăn giảm dầu mỡ. Khi sỏi túi mật không đau không cần phẫu thuật. 


Việc uống thuốc nam, thuốc tây để tan sỏi thường không hiệu quả. Thốc tan sỏi mật chỉ định hạn chế cho những sỏi có thành phần chủ đạo là cholesterol, chưa vôi hóa, kích thước <1cm. Thời gian uống thuốc tối thiểu 6 tháng với tỷ lệ thành công <50%. Các phương pháp tán sỏi cũng hiệu quả kém.


Phẫu thuật cắt túi mật là triệt để nhất. Các trường hợp sỏi túi mật cần mổ là khi sỏi túi mật gây triệu chứng đau quặn mật, viêm túi mật (đau bụng trên phải, sốt)... Việc mổ cắt túi mật ngày nay được thực hiện qua nội soi ổ bụng rất an toàn, hiếm khi cắt túi mật bằng phương pháp mổ mở bụng.