Tinh hoàn hai bên không đều nhau do nguyên nhân gì?
Tinh hoàn không đều là hiện tượng phổ biến ở nam giới và không phải ai sinh ra cũng có hai bên tinh hoàn đều nhau. Tinh hoàn không đều có sao không, tinh hoàn không đều ở trẻ sơ sinh có cần chữa trị không?
Tinh hoàn không đều là như thế nào?
Tinh hoàn không đều là hiện tượng tinh hoàn bên cao bên thấp hoặc bên to bên nhỏ. Hai bên tinh hoàn không đều ở nam giới có thể do bẩm sinh hay nhiều nguyên nhân khác nhưng không phải trường hợp nào cũng nguy hiểm.
Tinh hoàn là cơ quan sản xuất tinh trùng và tuyến nội tiết tiết ra testosteron để thể hiện tính nam giới. Tinh hoàn được nằm trong bìu và có kích thước khi ở tuổi trưởng thành như chiều dài 4,5 cm, chiều rộng 2,5 cm, độ dày 1,5 cm, cân nặng khoảng 20g.
Tinh hoàn không đều là tinh hoàn ở bên trái và bên phải có kích thước không đều nhau mà ta có thể nhận thấy một cách dễ dàng bằng mắt thường. Hai bên tinh hoàn được coi là lệch nhau nếu thể tích của bên này dưới 2/3 của bên còn lại.
Nguyên nhân hai bên tinh hoàn không đều
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho hai bên tinh hoàn không đều, dưới đây là các nguyên nhân gây ra tình trạng tinh hoàn không đều nam giới nên biết:
- Bẩm sinh: Tinh hoàn của một số người, ngay từ nhỏ đã là một bên to một bên nhỏ rồi, sự chênh lệch hoàn toàn không rõ ràng, đây là sự tạo thành bẩm sinh. Cũng như bẩm sinh một bên tinh hoàn phát triển không ổn thì bên đó sẽ nhỏ hơn.
- Do tổn thương: Một bên tinh hoàn bị tổn thương cũng sẽ tạo thành một bên to một bên nhỏ, vì tổn thương sẽ làm cho tinh hoàn bị chảy máu, đóng cục, dẫn đến thiếu máu, dần dần thu hẹp lại và nhỏ hơn rõ ràng so với bên còn lại.
- Ứ dịch màng tinh hoàn: Bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh khá to và có màu đỏ. Trẻ nam có bìu lớn, 2 tinh hoàn thường không đều nhau bởi xuất hiện các nội tiết tố mẹ truyền sang một cách tự nhiên và đó là một tình trạng nhất thời. Điều này được nhìn nhận là bình thường, sẽ tự biến mất theo thời gian (thường sau 3 tháng tuổi) và không phải điều trị gì.
- Xoắn tinh hoàn: Thường gặp ở tuổi sơ sinh hoặc dậy thì (10 - 15 tuổi). Nguyên nhân bởi sự thay đổi nồng độ nội tiết tố đột ngột (thường diễn ra ở tuổi dậy thì) và các bệnh lý bẩm sinh ở tinh hoàn như tinh hoàn quá di động, tinh hoàn ẩn… Dấu hiệu điển hình của bệnh là đau đột ngột một bên bìu, sưng to vùng bìu và có kèm theo nôn. Trong 6 giờ đầu sau khi có triệu chứng, cần được can thiệp ngoại khoa càng sớm càng tốt để cứu tinh hoàn vì máu ít đến tinh hoàn có thể làm teo hay thậm chí gây nhiễm khuẩn tinh hoàn.
- Tinh hoàn ẩn (tinh hoàn lạc chỗ): Là sự bất thường khi tinh hoàn không nằm trong bìu mà dừng lại bất thường trên đường di chuyển của thời kỳ phôi thai từ ổ bụng xuống bìu. Tinh hoàn ẩn thường gặp ở các lứa tuổi sơ sinh (3 - 5%), 3 tuổi (0,8%) và đến 18 tuổi chỉ còn 0,25 – 0,1%. Tinh hoàn thường ẩn một bên, đôi khi cả hai bên. Không điều trị sớm sẽ nguy cơ dẫn đến vô sinh hoặc ung thư tinh hoàn
- Nang mào tinh hoàn: Mào tinh hoàn nằm phía sau tinh hoàn, nơi tinh trùng trưởng thành dần. Khi phát triển thành nang thì sưng do ứ nước, có thể gây sốt và xuất tiết ở dương vật.
- Giãn tĩnh mạch tinh hoàn: Nếu các tĩnh mạch có chức năng đưa máu ra khỏi tinh hoàn bị giãn thì phần bao quanh tinh hoàn cũng bị sưng to và một bên tinh hoàn lệch.
- Viêm tinh hoàn: Thường do biến chứng của quai bị hay tuyến nước bọt mang tai ở tuổi vị thành niên bị viêm do vi rút. Sau thời gian ủ bệnh từ 14 - 28 ngày, tuyến nước bọt mang tai bắt đầu sưng hoặc di chứng của quai bị khiến trẻ có thể bị viêm tinh hoàn. Biểu hiện của bệnh là vùng bìu thường sưng và đau, trường hợp nặng có thể dẫn đến teo tinh hoàn, ảnh hưởng đến khả năng sinh con sau này.
- Do quai bị: Nếu đàn ông đã từng bị quai bị thì các virus quai bị có thể tiêu diệt các tế bào biểu mô của ống sinh tinh trong tinh hoàn gây teo tinh hoàn, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tinh hoàn bị một bên to một bên nhỏ.
- Thoát vị bẹn: có thể do bẩm sinh còn tồn tại ống phúc tinh mạc hoặc mắc phải do vận động thể lực tăng áp lực ổ bụng thường xuyên khiến các nội quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối chui xuống bìu làm nhầm tưởng tinh hoàn to.
Hai bên tinh hoàn không đều có sao không?
Nam giới hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt xem hai bên tinh hoàn của mình có đều nhau hay không. Nếu hai bên tinh hoàn không đều có sao không, có ảnh hưởng tới chất lượng tinh trung, khả năng sinh lý và sức khỏe sinh sản của nam giới hay không?
Để giải đáp vấn đề này thì các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney, Úc đã tiến hành phân tích, nghiên cứu và phát hiện ra những trường hợp tinh hoàn không đều sẽ có những nguy cơ:
- Có nguy cơ mắc phải ung thư tinh hoàn cao gấp 2,5 lần
- Giảm khả năng có con đến 20%
- Cần sự hỗ trợ gấp 2 lần để chữa chứng vô sinh.
Nếu bé gặp phải tình trạng tinh hoàn không đều khi đó, tinh hoàn được làm nóng bởi nhiệt độ bên trong cơ thể, các tế bào tinh trùng cũng có nguy cơ đột biến gen và tổn thương tế bào cao hơn. Theo thời gian, những yếu tố này có thể tích lũy gây ra ung thư tinh hoàn và các vấn đề vô sinh ở nam giới.
Tinh hoàn không đều thì phải làm sao?
Hai bên tinh hoàn không đều khiến không ít nam giới lo lắng về tình trạng này. Hiện tượng tinh hoàn không đều, chênh lệch nhau có gây vô sinh không là thắc mắc của nhiều người.
Để biết được tinh hoàn không đều có nguy hiểm hay không thì nam giới cần phải đi khám mới có thể chẩn đoán được.
Các bác sĩ chuyên khoa Nam học lại khuyên phái mạnh chú ý đến tình trạng bên thấp bên cao. Nếu hai hòn bi chênh nhau chút ít thì không sao, nhưng có một bên (đặc biệt là bên trái) bị thấp xuống nhiều so với bên kia thì nên đi khám. Việc "xệ" quá mức có thể do bệnh giãn tĩnh mạch tinh hay thòng ruột.
Để kiểm tra thể tích hay vị trí tinh hoàn, có thể làm cách dùng tay nắn nhẹ "vật thể" bên trong bìu. Việc phát hiện sớm các bất thường, nhất là tình trạng sa tinh hoàn sẽ giúp việc điều trị đạt kết quả cao hơn.
Hai bên tinh hoàn không đều và có sự chênh lệch rõ ràng có thể khiến cho bạn gặp rất nhiều rắc rối vì vậy cách tốt nhất nếu bạn nhận thấy hai bên tinh hoàn của mình không đều thì hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Việc thăm khám sớm sẽ giúp bạn phát hiện ra những mối nguy hiểm tiềm tàng và có cách khắc phục chúng một cách hiệu quả. Đặc biệt việc điều trị sớm sẽ giúp bạn giảm các nguy cơ ít tinh trùng, tinh trùng yếu và giảm nguy cơ gây vô sinh, hiếm muộn.